Có 5 dấu hiệu này, hoãn việc mua nhà ngay kẻo hối tiếc

Rate this post

Mua nhà là một khoản đầu tư lớn nên người mua cần xem xét và chuẩn bị sẵn sàng về nhiều mặt ngoài tiền. Tuy nhiên, nếu có 1 trong 5 dấu hiệu dưới đây, bạn nên hoãn việc mua nhà ngay nếu không muốn sa lầy trong nợ.

1. Đang thất nghiệp hoặc sắp “nhảy” việc

Mặc dù thay đổi công việc có thể theo chiều hướng tốt nhưng không loại trừ khả năng sự biến động đó sẽ khiến bạn bị xao nhãng và không còn nhiều thời gian cho việc tìm mua nhà.

Đó là chưa kể bạn sẽ phải chứng minh thu nhập nếu muốn vay vốn ngân hàng để mua nhà. Hồ sơ vay của bạn sẽ khó được xét duyệt nếu thu nhập không ổn định và cho thấy thiếu khả năng chi trả do đang thất nghiệp.

Phương án tốt nhất là bạn nên mua nhà khi công việc đã đi vào ổn định. Tránh mua nhà khi đang thất nghiệp khiến bản thân rơi vào tình trạng “một cổ hai tròng”, áp lực nhân đôi khi phải cùng lúc thực hiện 2 mục tiêu lớn.

2. Đang nợ một khoản vượt quá 43% thu nhập

Khi đang mắc một khoản nợ đáng kể, bạn tuyệt đối không nên mua nhà. Điều này sẽ khiến áp lực tài chính gia tăng, thậm chí dẫn đến nguy cơ bạn bị vỡ nợ. “Nếu số tiền nợ vượt quá 43% thu nhập, bạn sẽ gặp khó khăn khi cố gắng mua nhà và có nguy cơ cao sẽ vỡ nợ trong tương lai” – Pollack và Olen, đồng tác giả cuốn sách tài chính Index Card viết.

Vì vậy, đừng vội mua nhà nếu bạn chưa lập ra một kế hoạch tài chính cụ thể. Bảng tính toán dòng tiền hàng tháng bao gồm thu nhập, trả nợ cũ, trả lãi nợ mới… là rất cần thiết để bạn có thể đưa ra câu trả lời trước khi xuống tiền mua nhà.

một người phụ nữ đang cầm tập tiền trên tay, mặt đăm chiêu suy nghĩ, trên bàn là mô hình ngôi nhà
Nếu bạn đang nợ một khoản vượt quá 43% thu nhập thì không nên mua nhà. Ảnh minh họa: Internet

3. Tiền tiết kiệm không đủ để trả 10% giá trị ngôi nhà

Nếu có dự định mua nhà, bạn chắc chắn cần chuẩn bị sẵn sàng một khoản tiền kha khá cho cả giá trị ngôi nhà và những chi phí phát sinh như tiền đặt cọc, phí chuyển nhượng tài sản, phí vận chuyển, xây sửa, mua sắm…

Một nguyên tắc bạn có thể tham khảo đó là 28/36, tức là không nên dành quá 28% tổng thu nhập hàng tháng cho chi phí nhà ở và không quá 36% cho việc chi trả các khoản nợ, bao gồm nợ mua nhà.

Người mua cũng nên tạm hoãn việc cất nhà nếu không đủ khả năng chi trả ít nhất 10% giá trị ngôi nhà đó. Bởi điều này chứng tỏ họ chưa đủ tiềm lực tài chính, hơn nữa cũng khó vay ngân hàng vì việc trả nợ, lãi hàng tháng là ngoài khả năng.

4. Không có quỹ dự phòng khẩn cấp

Kể cả khi bạn đã dồn hết tiền tiết kiệm cho việc mua nhà, nhưng vẫn cần có quỹ dự phòng cho trường hợp khẩn cấp. Quỹ này sẽ là cứu cánh cho bạn mỗi khi có việc đột xuất xảy đến, ví dụ, bạn vay tiền ngân hàng để mua nhà nhưng thu nhập tháng này thâm hụt quá nhiều nên không đủ khả năng trả lãi, khi đó có thể dùng đến quỹ dự phòng.

Thông thường, mỗi quỹ dự phòng khẩn cấp phải đảm bảo chi phí sinh hoạt bình thường cho bạn tối thiểu trong 5 – 10 tháng. Bạn cần chuẩn bị quỹ dự phòng này từ trước khi mua nhà, và phải luôn giữ thói quen tiết kiệm cho quỹ đó để hỗ trợ linh hoạt các kế hoạch trong tương lai.

Tính toán số tiền cho quỹ dự phòng để mua nhà.
Người mua nên có sẵn quỹ dự phòng khẩn cấp trước khi mua nhà. Ảnh minh họa: Internet

5.  Điểm tín dụng thấp

Điểm tín dụng quyết định đến khả năng vay vốn của khách hàng cũng như hạn mức tín dụng mà ngân hàng có thể giải ngân khi bạn có nhu cầu vay vốn. Xem xét điểm tín dụng cá nhân sẽ giúp bạn biết được mình có đang nợ xấu hay không, qua đó nhận định về khả năng vay mua nhà từ ngân hàng.

Để cải thiện điểm tín dụng và tăng khả năng vay vốn ngân hàng mua nhà, bạn cần lưu ý không mở quá nhiều thẻ tín dụng. Sở hữu đồng thời nhiều thẻ tín dụng đồng nghĩa với việc các khoản nợ phải thanh toán càng cao, khả năng trả nợ đúng hạn càng thấp. Nhất là khi bạn chỉ có nguồn thu nhập thấp, không ổn định thì hồ sơ vay vốn sẽ bị ngân hàng đánh giá là rủi ro cao, khó có khả năng được tiếp nhận.

Ngoài ra, việc hủy thẻ khi thời gian sử dụng dưới 6 tháng có thể khiến điểm tín dụng bị giảm. Vì vậy, khi bạn mở thẻ nhưng ít sử dụng hoặc hiện tại không có nhu cầu dùng đến thì vẫn nên cân nhắc thật kỹ trước khi hủy thẻ này.

Linh Phương (TH)

Xem các tin khác: